Quyền có quốc tịch của Việt Nam được xác định như thế nào

Trả lời:

Điều 2 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định: “1. ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch. Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 Luật này.2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mọi thành viên của các dân tộc đều bình đẳng về quyền có quốc tịch Việt Nam”.Điều đó có nghĩa là bằng nhiều căn cứ khác nhau, Nhà nước bảo đảm cho mỗi cá nhân trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều có quyền có quốc tịch Việt Nam. Nguyên tắc này được cụ thể hóa bằng các quy định từ Điều 13 đến Điều 18 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, theo đó, một người có thể có quốc tịch Việt Nam do sinh ra, được nhập, được trở lại quốc tịch Việt Nam,v.v... Điều 2 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 cũng khẳng định, công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam trừ khi đang cư trú ở nước ngoài mà có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Nguyên tắc về quyền đối với quốc tịch Việt Nam còn bao hàm cả nội dung mọi thành viên của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng về quyền có quốc tịch Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có cùng một Nhà nước thống nhất là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo đó, mọi công dân của Nhà nước Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, thành phần xuất thân, quan điểm chính trị, tôn giáo đều có quyền có quốc tịch Việt Nam như tất cả mọi thành viên khác.Quyền có quốc tịch được đảm bảo thực thi bằng các biện pháp khác nhau mà Nhà nước quy định, nhằm xác định quốc tịch cho từng cá nhân và để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng không quốc tịch, đảm bảo cho mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch, với tư cách là một quyền nhân thân của con người.