Việc xác định quốc tịch cho một cá nhân dựa trên những nguyên tắc nào?

Trả lời:

Việc có quốc tịch của một cá nhân là việc cá nhân đó đáp ứng đầy đủ những quy định pháp luật của một nước và trở thành công dân của nước đó. Việc xác định quốc tịch của một cá nhân thường diễn ra theo hai cách: cách thứ nhất là quốc tịch được xác định ngay từ khi sinh ra (còn gọi là quốc tịch gốc), cách thứ hai là xác định quốc tịch sau khi sinh. Việc xác định quốc tịch ngay từ khi sinh ra là trường hợp có quốc tịch đương nhiên mà việc cá nhân đó có quốc tịch một nước không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của họ. Thông thường, việc xác định quốc tịch gốc này dựa trên hai nguyên tắc quyền huyết thống và quyền nơi sinh.1. Xác định quốc tịch theo dòng máu của cá nhân (Jus sanguinis): tức là xác định quốc tịch theo dòng máu của cá nhân) và nguyên tắc quyền nơi sinh; 2. Xác định quốc tịch theo nơi cá nhân được sinh ra(Jus soli): tức xác định quốc tịch theo nơi cá nhân được sinh ra). Việc xác định quốc tịch sau khi sinh thường thông qua các sự kiện pháp lý theo quy định của mỗi nước như việc nhập quốc tịch qua việc kết hôn, qua việc làm con nuôi, qua việc áp dụng công ước quốc tế v.v…Theo Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, việc xác định quốc tịch cho một cá nhân dựa trên cả hai nguyên tắc quyền huyết thống và quyền nơi sinh. Tuy nhiên, nguyên tắc quyền huyết thống là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, giữ vị trí ưu tiên trong Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Nguyên tắc quyền nơi sinh chỉ được áp dụng khi không xác định được quốc tịch của một cá nhân theo nguyên tắc quyền huyết thống. Ngoài ra, trong một số trường hợp, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 còn cho phép cá nhân có quyền lựa chọn quốc tịch.