Nguyên tắc quyền nơi sinh trong Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 được quy định như thế nào?

Trả lời:

Nguyên tắc quyền nơi sinh (Jus soli) có nghĩa là trẻ em sinh ra ở đâu thì có quốc tịch nước đó không phụ thuộc vào quốc tịch của cha mẹ, hoặc trẻ em sinh ra ở một nước sẽ có quốc tịch nước đó nếu cha hoặc mẹ cũng sinh ra tại nước đó. Singapore là nước áp dụng nguyên tắc quyền nơi sinh khi xác định quốc tịch cho trẻ em. Việt Nam không phải là một nước áp dụng triệt để nguyên tắc quyền nơi sinh, nhưng trong những trường hợp ngoại lệ, nguyên tắc quyền nơi sinh cũng được áp dụng. Theo quy định tại Điều 17 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai, thì cũng có quốc tịch Việt Nam. Hoặc Điều 18 quy định, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.Như vậy, Luật Quốc tịch Việt Nam đã xác định quốc tịch của trẻ em dựa trên sự kết hợp của cả hai nguyên tắc là nguyên tắc quyền huyết thống và nguyên tắc quyền nơi sinh, trong đó, nguyên tắc quyền huyết thống là nguyên tắc được ưu tiên, còn nguyên tắc quyền nơi sinh được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt, cần vận dụng khi không xác định được quốc tịch theo nguyên tắc quyền huyết thống. Quy định nói trên thể hiện tính nhân đạo sâu sắc trong Luật Quốc tịch của Nhà nước Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là quốc gia châu á phê chuẩn sớm nhất, phù hợp với xu thế chung của thế giới, hạn chế tình trạng không quốc tịch.