Hướng dẫn xác định giá trị văn hóa, lịch sử làm cơ sở xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn nhà nước.

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp: “c) Việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn: Doanh nghiệp nhà nước lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá; xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài/vốn nhà nước đầu tư bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hằng năm), giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp: “…Đối với giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử (nếu có) thực hiện xác định riêng từng giá trị theo quy định pháp luật thẩm định giá, theo các phương pháp xác định phù hợp. Trường hợp không đủ hồ sơ, tài liệu để xác định giá trị văn hóa, lịch sử thì chủ sở hữu vốn chuyển nhượng căn cứ mức độ ảnh hưởng, tác động của giá trị đến hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp, hiệu quả đem lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để xác định tỷ lệ (tối thiểu 1%) trên tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở xác định giá khởi điểm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 42 Luật Giá, doanh nghiệp thẩm định giá có nghĩa vụ: “…c) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định”.

Theo quy định tại điểm 3.1 Khoản 3 Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ Tài chính:

“Tài sản vô hình: là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế.

Tài sản vô hình được đề cập trong tiêu chuẩn này phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

- Không có hình thái vật chất; tuy nhiên một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình;

- Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình (ví dụ: hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng ký, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính, v.v.);

- Có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu;

- Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được”.

Theo các quy định nêu trên:

Việc xác định giá khởi điểm khi đấu giá chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do tổ chức thẩm định giá thực hiện. Khi lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá khởi điểm, tổ chức thẩm định giá được thuê có trách nhiệm tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành. Trong đó, có Tiêu chuẩn thẩm định giá số 05 – Quy trình thẩm định giá ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính. Theo tiêu chuẩn này, thẩm định viên phải đưa ra những giả thiết đối với trường hợp thông tin bị hạn chế, chưa chắc chắn, ảnh hưởng đến giá trị tài sản thẩm định giá; các giả thiết này phải được thuyết minh rõ ràng tại báo cáo kết quả thẩm định.

Tổ chức tư vấn định giá có trách nhiệm tư vấn và giải trình đối với việc xác định giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử. Trường hợp “xác định riêng từng giá trị theo quy định pháp luật thẩm định giá, theo các phương pháp xác định phù hợp” thì việc xác định phải áp dụng theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ Tài chính và “giá trị văn hóa, lịch sử” thỏa mãn đồng thời các đặc điểm quy định tại điểm 3.1 Khoản 3 Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 nêu trên.

Trường hợp không đủ hồ sơ, tài liệu xác định giá trị văn hóa, lịch sử thì căn cứ mức độ ảnh hưởng, tác động của giá trị đến hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp, hiệu quả đem lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; chủ sở hữu xác định tỷ lệ, giá trị phù hợp để xác định giá khởi điểm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đồng thời, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm trong việc xác định, khẳng định và chứng minh được doanh nghiệp có giá trị văn hóa, lịch sử hay không có để làm cơ sở thuê tư vấn, xác định giá trị văn hóa, lịch sử để đưa vào giá trị vốn nhà nước.