Khiếu nại là gì? Phân biệt khiếu nại và tố cáo?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại quy định khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.Khiếu nại và tố cáo có một số điểm khác nhau như sau:Thứ nhất, về chủ thể: Chủ thể của hành vi khiếu nại phải là người bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật. Trong khi đó, chủ thể của hành vi tố cáo chỉ là cá nhân nhưng là bất kỳ cá nhân nào nếu cá nhân đó có đủ điều kiện để thực hiện việc tố cáo. Như vậy, chủ thể thực hiện hành vi tố cáo có thể chịu tác động trực tiếp hoặc không chịu tác động của hành vi bị tố cáo.Thứ hai, về đối tượng: Phạm vi tác động, đối tượng của tố cáo rộng hơn rất nhiều so với khiếu nại. Đối tượng của khiếu nại chỉ là quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Trong khi đó, công dân có quyền tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Có nghĩa là mọi hành vi có biểu hiện vi phạm pháp luật đều là đối tượng của tố cáo.Thứ ba, về thẩm quyền giải quyết: Vụ việc khiếu nại được giải quyết lần đầu tại chính cơ quan (hoặc cán bộ, công chức thuộc cơ quan này) có thẩm quyền ra quyết định hoặc thực hiện hành vi bị khiếu nại. Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ có quyền tiếp tục thực hiện quyền khiếu nại của mình lên cấp trên trực tiếp của cấp đã có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án hành chính. Còn thẩm quyền giải quyết tố cáo có điểm khác là: Tố cáo hành vi vi phạm của người thuộc cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết. Như vậy, khác với thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người đứng đầu cơ quan, tổ chức là chủ thể giải quyết tố cáo không có thẩm quyền giải quyết đối với đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của chính bản thân mình.Thứ tư, về trình tự giải quyết: Vấn đề khác biệt nhất chính là thời hiệu giải quyết. Đối với khiếu nại thời hiệu là: 90 ngày tùy thuộc đối tượng bị khiếu nại là quyết định hành chính, hành vi hành chính hay quyết định kỷ luật cán bộ. Đối với tố cáo, pháp luật hiện hành không quy định về thời hiệu. Việc không quy định thời hiệu đối với hành vi tố cáo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.Thứ năm, về mục đích: Nếu như mục đích của khiếu nại chủ yếu là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của chủ thể khiếu nại thì mục đích của tố cáo không chỉ dừng ở việc bảo vệ và khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo mà còn bảo vệ lợi ích của Nhà nước và cộng đồng xã hội.