Bà X (50 tuổi, có 3 người con ruột) là giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 10 trẻ em bị bỏ rơi. Vì trong Giấy khai sinh của những trẻ em này để trống phần khai về cha mẹ nên bà X có nguyện vọng nhận tất cả những trẻ em này làm con nuôi để bổ sung phần khai về mẹ vào Giấy khai sinh của trẻ em. Khi bà X nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi thì công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã từ chối tiếp nhận hồ sơ với lý do một người không thể nhận đến 10 trẻ em làm con nuôi. Việc công chức tư pháp – hộ tịch từ chối tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp này có đúng hay không?

Trả lời:

Việc công chức tư pháp – hộ tịch từ chối tiếp nhận hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi đối với một người nhận toàn bộ số trẻ em hiện đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung làm con nuôi là hoàn toàn phù hợp, vì:Theo quy định tại Điều 2 của Luật nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ, con lâu dài bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Việc bà X xin nhận toàn bộ số trẻ em hiện đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội để các cháu có tên mẹ trong giấy khai sinh là không bảo đảm mục đích nuôi con nuôi. Rõ ràng bà X không có ý thức xác lập quan hệ mẹ, con lâu dài; trẻ em không được sống trong môi trường gia đình mà vẫn sống tập trung ở cơ sở nuôi dưỡng. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 24 của Luật nuôi con nuôi, nếu việc nuôi con nuôi được thực hiện theo đúng quy định pháp luật thì kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, một người không thể bảo đảm quyền và thực hiện nghĩa vụ pháp lý cho tất cả những trẻ em được làm con nuôi này.

Các thủ tục liên quan
Các câu hỏi liên quan
Xem tất cả 21 câu hỏi liên quan